1. Cạo râu trong gấp gáp
Di chuyển dao cạo quá nhanh hoặc cạo râu trên da khô sẽ dẫn đến trầy xước và tổn thương làn da. Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian để việc cạo râu được từ tốn hơn, tốt nhất là khoảng thời gian sau khi tắm vì lúc này lỗ chân lông được giãn nở và làn da cũng trở nên mềm mại. Lưu ý, nhớ sử dụng lượng kem cạo râu vừa đủ để dao cạo được lướt êm ái trên da.
2. Cạo ngược chiều râu mọc
Bạn đã gặp tình trạng râu mọc ngược sau khi cạo chưa? Nếu có thì chắc chắn “cách cạo” cũng là một trong những nguyên nhân gây nên. Sẽ không có gì lạ nếu chúng ta vẫn thường cạo ngược lại với chiều mọc tự nhiên của sợi râu với “hy vọng” rằng râu sẽ được dọn sạch từ gốc đến ngọn. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là cạo theo chiều mọc tự nhiên của sợi râu, điều này cũng giúp hạn chế trầy xước và tổn thương làn da nữa đấy.
3. Đi đường cạo quá dài
Nếu bạn đang “thể hiện” một đường cạo dứt khoát từ cổ đến cằm như trong quảng cáo thì dừng lại ngay nhé. Việc cạo như vậy sẽ khiến cho vụn râu thừa và kem dưỡng bị tắc nghẽn trong lưỡi dao, dẫn đến kết quả tệ hơn. Hãy cạo những đoạn ngắn, rửa sạch lưỡi dao rồi hãy cạo tiếp.
4. Không dưỡng da sau cạo
Cạo râu giúp loại bỏ tế bào da chết, tuy nhiên cũng khiến da trở nên khô và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Hãy rửa mặt bằng nước ấm và thoa kem dưỡng sau cạo để cấp ẩm cho da, cuối cùng là sử dụng thêm kem ngày để làn da được chăm sóc và bảo vệ. Dưỡng ẩm chính là chìa khóa!
5. Dùng dao cạo nhiều lần
Sử dụng dao cạo quá nhiều lần hoặc quá cũ sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi. Đừng quá keo kiệt với bản thân, hãy đối đãi tốt với bản thân mình một chút bằng cách thay ngay dao cạo mới. À, cũng đừng quên việc này phải được lặp lại mỗi tuần.