Quy tắc chung đối với các sản phẩm dưỡng ẩm là không nên dùng quá 6 tháng. Một số thành phần như tinh dầu hoặc chiết xuất thực vật còn có thể làm tuổi thọ của sản phẩm bị rút ngắn hơn. Đồng thời, nếu sản phẩm có chỉ số chống nắng SPF thì khả năng bảo vệ da cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Tốt nhất hãy luôn đóng chặt nắp và bảo quản sản phẩm trong môi trường mát mẻ, khô thoáng. Ngoài ra bạn cũng nên sử dụng muỗng lấy kem chuyên dụng thay cho ngón tay để bảo đảm vệ sinh và hạn chế ảnh hưởng đến tuổi thọ sản phẩm.
KEM NỀN
Kem nền dạng lỏng thường chứa nước nên đây cũng là một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn. Một sản phẩm chưa mở nắp có hạn dùng lên đến 2 năm nhưng ngay khi được mở nắp, tuổi thọ giảm xuống chỉ còn khoảng 6 - 12 tháng. Tránh để sản phẩm trong môi trường ẩm ướt (nhà tắm...) hoặc nhiệt nóng vì nhiệt cũng là yếu tố có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Nếu sản phẩm bị thay đổi về mùi, màu hoặc kết cấu trở nên rời rạc, đây chính là các dấu hiệu cho thấy sản phẩm đã bị hỏng.
PHẤN
Phấn (phấn phủ, màu má hoặc phấn tạo khối) thường không chứa nước nên trên lý thuyết sẽ có tuổi thọ dài hơn kem và các sản phẩm dạng lỏng: khoảng 24 tháng sau khi mở nắp. Tuy nhiên nên lưu ý rằng cọ trang điểm có thể mang theo bụi bẩn và độ ẩm từ các sản phẩm khác vào hộp phấn. Vì vậy khi trang điểm, bạn nên chờ cho sản phẩm khô rồi mới tiếp tục thực hiện bước tiếp theo; đồng thời đừng quên vệ sinh cọ trang điểm thường xuyên!
MASCARA
Bất kì sản phẩm nào dùng cho vùng quanh mắt cũng có thể tiếp xúc và mang theo vi khuẩn, sau đó lại chuyển ngược các vi khuẩn này vào vùng quanh mắt ở lần dùng kế tiếp. Điều này phổ biến với các sản phẩm kẻ viền mắt, màu mắt và đặc biệt là mascara, vì dạng tuýp kín thường là môi trường phù hợp cho các ổ vi khuẩn phát triển. Để an toàn, nên thay sản phẩm mascara 3 tháng/lần. Nếu sản phẩm có mùi gần như mùi khí gas, bạn cần bỏ ngay vì sản phẩm đã bị hỏng.
SON MÔI
Vì son môi thường không chứa nước nên đây là một trong những loại mỹ phẩm có tuổi thọ cao nhất. Tuy nhiên, do đặc thù tiếp xúc trực tiếp cùng vùng môi, son rất dễ bị dính theo bụi bẩn và vi khuẩn. Thông thường bạn nên thay son mỗi năm một lần hoặc thay ngay sau khi khỏi bệnh. Hãy chú ý đến mùi và kết cấu son, phải bỏ ngay sản phẩm nếu thấy có mùi cũ hoặc son trở nên cứng và bị vỡ rời rạc.